Bảo quản và chế biến thực phẩm thừa sau Tết là nỗi băn khoăn của nhiều chị em nội trợ, bỏ đi thì quá lãng phí, nhưng giữ lại thì không biết xử lý như thế nào để thức ăn trở nên mới lạ tránh sự nhàm chán.
Vậy các bạn hãy cùng Chaosach.com cùng tìm hiểu cách bảo quản và chế biến những thực phẩm thừa sau Tết này như thế nào cho hiệu quả qua bài viết sau nhé!
» Xem thêm: Kho thịt đúng cách để không bị cứng và đen khi nấu lại
1. Cách bảo quản các loại thực phẩm trong tủ lạnh sau Tết
Rau củ quả tươi:
Với rau củ, bạn nên phân loại rồi sơ chế qua, loại bỏ phần úa vàng và phần hư thối. Cho từng loại rau củ vào từng túi nhựa, buộc kín miệng cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
Với trái cây thì bạn cũng phân loại rồi loại bỏ phần hư hao đi, bọc lại bằng giấy báo rồi cho vào túi nhựa, bịt kín miệng rồi để vào ngăn mát của tủ.
Thực phẩm đông lạnh:
Chỉ rã đông lượng thực phẩm vừa đủ để chế biến, không rã đông quá nhiều rồi làm đông lại lượng thực phẩm thừa, vì quá trình đó sẽ làm tăng lượng vi khuẩn có trong thực phẩm, có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Khi sử dụng thực phẩm đông lạnh thì nên sử dụng các thực phẩm mua trước, sau đó mới sử dụng tới các thực phẩm mua sau. Như vậy hàm lượng dinh dưỡng sẽ không mất đi vì thực phẩm để quá lâu không sử dụng.
Thực phẩm tổng hợp các loại:
Với các loại thực phẩm như khô cá, khô mực bạn nên bọc lại bằng giấy bạc hoặc giấy báo, sau đó cho vào túi nhựa bịt kín miệng rồi mới cho vào ngăn mát của tủ lạnh, như vậy sẽ giữ được thực phẩm lâu bị hư hỏng hơn.
Nên phân loại thực phẩm rồi cho vào từng ngăn của tủ lạnh để quá trình bảo quản và sử dụng dược hiệu quả nhất.
2. Cách biến tấu các loại thực phẩm thừa sau Tết
Mâm ngũ quả:
Với phong tục chưng mâm ngũ quả trong ngày Tết của nhiều gia đình thì việc sử dụng mâm ngũ quả sau Tết là một băn khoăn của cánh nội trợ.
Quả na (còn được gọi là mãng cầu ta), bạn có thể tách lấy phần thịt, thêm đường vào cho thấm.
Hạt bí, hạt dưa cho vào tô, thêm một ít bơ, hạt yến mạch, 1 lòng đỏ trứng, ít đường trộn đều rồi cho hỗn hợp các loại hạt lên phía trên mãng cầu.
Tiếp đến đem hỗn hợp trên nướng ở nhiệt độ 160 độ trong khoảng 45 phút, để nguội, dùng để ăn kèm với kem rất là ngon.
- Đu đủ, nếu là đu đủ non thì bạn có thể đem hầm xương, hầm đu đủ là món ăn thanh mát, rất tốt cho cơ thể sau những ngày ăn uống đồ nhiều dầu mỡ và bia rượu. Nếu đu đủ chín thì bạn có thể làm sinh tố, cũng là một thức uống giải nhiệt cho cơ thể.
- Xoài, dừa bạn cũng có thể đem làm sinh tố, rất hợp khẩu vị cho các chị em, hay các bạn nhỏ trong nhà.
Bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu:
Với bánh chưng hay bánh tét thì bạn có thể đem đi chiên lại ăn sẽ lạ miệng hơn. Tách phần nhân và phần nếp ra riêng. Quết nhuyễn từng phần, vo tròn phần nhân rồi bọc bên ngoài 1 lớp nếp.
Làm nóng chảo dầu, cho bánh nếp vào chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. Món bánh nếp này ăn kèm tương ớt, nước mắm chua ngọt đều được.
Với dưa kiệu thì bạn vớt ra để ráo rồi cắt sợi nhỏ, dùng để trộn chung với các loại khô, như khô gà, khô bò ăn cũng rất ngon.
Hy vọng qua bài viết này đã giúp các bạn bảo quản và chế biến những thực phẩm còn dư thừa trong dịp Tết vừa qua.
- Chúc các bạn thành công nhé!